Không chỉ gây đau đớn, vết thương bị hoại tử còn đe dọa tới tính mạng nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Vậy, dấu hiệu vết thương bị hoại tử là gì? Cách xử lý ra sao để đem lại hiệu quả?
Hoại tử vết thương là gì?
Hoại tử là thuật ngữ dùng để chỉ các mô trên cơ thể dần chết đi, lan rất nhanh do vết thương bị nhiễm trùng hoặc do máu không thể lưu thông tới vết thương, khiến cơ thể không thể chống lại những tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Từ đó tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập gây hoại tử. Hiện tượng này thường xảy ra khi bị thương hay sau khi phẫu thuật.
Tất cả các bộ phận trên cơ thể đều có khả năng bị hoại tử nếu xuất hiện vết thương hở, phổ biến nhất là bàn chân, chân, cánh tay, tai và mũi…
Vết thương bị hoại tử do người bệnh bị tiểu đường, tắc nghẽn mạch máu…
Những người có nguy cơ cao bị hoại tử là: người mắc bệnh tiểu đường, người bị tắc nghẽn mạch máu, bị thương, nằm liệt giường, đau ruột thừa…
Nguyên nhân khiến vết thương bị hoại tử
Trước khi tìm hiểu dấu hiệu vết thương bị hoại tử, người bệnh cần biết nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này do đâu để từ đó biết cách phòng tránh.
+ Việc điều trị vết xước do cọ xát hay ngã chảy máu… không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh sẽ dẫn tới hiện tượng nhiễm trùng và hoại tử.
+ Vết trầy xước, loét da ở những người mắc bệnh tiểu đường, người nằm liệt lâu ngày, bị tắc mạch máu, hút thuốc lá nhiều… nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới hoại tử.
+ Người bệnh tự ý điều trị vết thương bằng các loại lá dân gian không rõ nguồn gốc, sử dụng dụng cụ y tế không đảm bảo, băng gạc không vô trùng… khiến vết thương bị viêm nhiễm, hoại tử.
Dấu hiệu nhận biết vết thương bị hoại tử
Vết thương bị nhiễm trùng, hoại tử sẽ xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng, nếu để ý kỹ người bệnh sẽ dễ dàng phát hiện ra. Cụ thể là:
Điều trị vết thương không kịp thời, đúng cách dẫn tới lở loét, hoại tử
+ Dấu hiệu vết thương bị hoại tử đầu tiên chính là khu vực xung quanh vết thương bị sưng đỏ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra.
+ Tiếp đến vùng da quanh vùng bị thương bị bong tróc hoặc nhăn lại.
+ Người bệnh có cảm giác đau đớn tăng dần tại vị trí vết thương.
+ Vết thương bị sủi bọt trắng.
+ Vùng da bị hoại tử tỏa ra mùi hôi khó chịu, như mùi thối rữa.
+ Vùng da bị hoại tử lan rất nhanh, nếu không kịp thời điều trị có thể lan rộng ra khắp cơ thể.
+ Ở gần vị trí vết thương nổi hạch, có thể nổi ở bẹn hoặc ở nách.
+ Dấu hiệu vết thương bị hoại tử nặng trên vùng da rộng sẽ khiến người bệnh bị ớn lạnh, nóng sốt, buồn nôn, nôn, mệt mỏi dù không hoạt động, hoa mắt chóng mặt, nhịp tim tăng nhanh, rối loạn cảm xúc…
Cách xử lý vết thương bị hoại tử an toàn nhất
Vết thương bị hoại tử gây nên rất nhiều mối nguy hại đe dọa đến tính mạng. Do đó, việc xử lý đúng cách, đúng thời điểm vô cùng quan trọng, quyết định tới kết quả đạt được. Dưới đây là một số cách xử lý, người bệnh nên tham khảo:
Đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời
+ Đến ngay các cơ sở y tế để thực hiện thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay, một số phương pháp đang được sử dụng đó là: phẫu thuật cắt bỏ phần hoại tử, sau đó dùng thuốc để chữa lành vết thương; Sử dụng kháng sinh, liệu pháp áp suất oxy và pha loãng máu.
Với vết thương bị lở loét lâu ngày thường dùng biện pháp băng kín và hút tạo chân không được điều khiển bằng vi mạch xử lý, khi đó phần dịch ứ đọng cùng vi khuẩn ở nền vết thương nhanh chóng được loại bỏ, làm tăng nguồn máu nuôi dưỡng vết thương, kích thước vết thương từ đó được thu nhỏ dần, tạo thuận lợi cho quá trình điều trị.
+ Kết hợp chăm sóc vết thương bị hoại tử tại nhà: Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để rửa sạch vết thương, tuyệt đối không sử dụng oxy già hoặc cồn để vệ sinh vết thương vì sẽ gây chết mô tế bào mới, khiến cho việc điều trị vết thương lâu lành hơn. Bên cạnh đó, nên giữ vết thương sạch sẽ, khô ráo, không để vết thương tiếp xúc với khói, bụi bẩn, vi khuẩn bên ngoài, bởi đó là nguyên nhân dẫn tới nhiễm trùng, hoại tử.
+ Khi bị thương không nên vận động mạnh và nhiều khiến vết thương lâu lành, để lại sẹo.
+ Sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều trị.