Quai bị là một bệnh truyền nhiễm mà bất cứ trẻ em nào cũng có thể mắc phải một lần trong đời. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh này. Thông qua các dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp chữa trị kịp thời để tránh xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị ở trẻ
Có 2 đường lây truyền của bệnh quai bị, đó là đường hô hấp và ăn uống. Thời kỳ ủ bệnh sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của trẻ, thông thường kéo dài từ 16 – 18 ngày, đôi khi có những trường hợp có thể lên đến 25 ngày. Khi bị quai bị, trẻ sẽ có những dấu hiệu sau:
+ Sốt cao đột ngột trong khoảng 39 – 40 độ kéo dài liên tục từ 3 – 4 ngày.
+ Chán ăn hoặc ăn không ngon miệng.
+ Đau đầu, mệt mỏi.
+ Toàn thân đau nhức, đặc biệt là ở các cơ.
Sưng một bên má là dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị dễ nhận thấy nhất
+ Sau khi sốt từ 1 – 3 ngày, một bên má của trẻ có thể sưng lên rồi dần lây sang má còn lại, dù bị tấy đỏ nhưng không có mủ khiến khuôn mặt bị biến dạng.
+ Tai nhức, cảm giác sợ ra gió.
+ Ở bé trai có thể bị đau tinh hoàn và sưng bìu.
Đa số trẻ em đều phải mắc bệnh quai bị 1 lần trong đời. Một số ít thường khi trưởng thành mới bị quai bị. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người. Những biến chứng nghiêm trọng từ bệnh quai bị như:
+ Viêm tinh hoàn: Virus quai bị có thể tấn công nhiều bộ phận, trong đó có tinh hoàn. Thông thường, viêm tinh hoàn chỉ xảy ra ở 1 bên sau khi tuyến nước bọt bị viêm từ 5 – 7 ngày. Lúc này, tinh hoàn sẽ sưng to, sờ vào thấy đau và chắc, phần da bìu bị phù nề, đỏ và căng bóng. Biến chứng nặng nhất là người bệnh có thể bị teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh.
Quai bị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
+ Viêm buồng trứng: Biểu hiện rõ nhất là đau bụng và rong kinh. Đặc biệt nếu phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu bị quai bị thì nguy cơ sảy thai là rất cao.
+ Viêm não, viêm màng não: Đây là những biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên nếu bệnh nhân nào mắc phải sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
+ Viêm tụy: Tuyến tụy bị sưng lên gây khó chịu cho người bệnh.
+ Ảnh hưởng đến thính giác: Người bệnh có thể mất thính giác ở 1 hoặc 2 bên tai tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Biện pháp điều trị bệnh quai bị
Cho đến nay, vẫn chưa tìm ra thuốc có thể điều trị dứt điểm bệnh quai bị. Người bệnh chỉ được hỗ trợ, chăm sóc và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Nếu có dấu hiệu đau mang tai, bạn nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
+ Để làm giảm các triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau. Bên cạnh đó, bạn cần phải tuân thủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và uống nhiều nước để bù nước và chất điện giải, không được ăn thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị.
Đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ có dấu hiệu của bệnh quai bị
+ Nên cách ly người bệnh với trẻ em, thanh thiếu niên và những người chưa bị quai bị bao giờ. Đây là những đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm quai bị cao nhất. Không dùng chung các loại vật dụng cá nhân hàng ngày với người nhiễm bệnh để hạn chế lây nhiễm.
+ Nếu tuyến nước bọt sưng to gây ra đau đớn, bạn có thể lấy đá lạnh cho vào khăn rồi chườm lên để làm giảm các cơn đau và giúp cho tuyến nước bọt bớt sưng.
+ Khi thấy bất cứ dấu hiệu biến chứng nào ở người bệnh, cần phải vào viện ngay để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh để lại những di chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sau này.
Quai bị không phải là bệnh lý nghiêm trọng, tuy nhiên lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người. Việc tìm ra dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị sớm sẽ giúp ích rất lớn đến điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
>> Có thể bạn quan tâm: