Vàng da ở trẻ sơ sinh thường gặp ở những em bé sau khi sinh khoảng 2 – 3 ngày và sinh không đủ tháng. Bệnh dễ để lại những biến chứng nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp thời.
Cách phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý
Vàng da ở trẻ sơ sinh được chia thành 2 loại cơ bản là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Trong khi vàng da sinh lý không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và sẽ tự hết sau một thời gian nhất định thì vàng da bệnh lý lại hoàn toàn ngược lại. Bệnh lý này sẽ có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được điều trị đúng cách.
- Vàng da sinh lý
Thông thường, vàng da sinh lý xuất hiện ở trẻ sơ sinh sau khi ra đời khoảng 1 ngày. Với trẻ đủ tháng, hiện tượng này sẽ biến mất trong vòng 1 tuần, còn với trẻ sinh thiếu tháng thì sẽ hết trong khoảng 2 tuần.
Biểu hiện khi bị vàng da sinh lý là vàng da vùng mặt, ngực, cổ, từ vùng bụng phía trên rốn trở lên và không đi kèm những biểu hiện bất thường khác. Bên cạnh đó, nước tiểu của trẻ cũng có màu vàng và phân màu nhạt.
Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng phổ biến
- Vàng da bệnh lý
Tình trạng vàng da sẽ xuất hiện sớm hơn, trong vòng 24 giờ sau sinh. Biểu hiện là vàng da đậm xuất hiện sớm, sau từ 1 đến 2 tuần vẫn không hết vàng da; mức độ vàng có thể xuất hiện ở toàn thân, kể cả ở kết mạc mắt và đi kèm với những triệu chứng như: lên cơn co giật, bỏ bú, trẻ mệt mỏi, lừ đừ… Bilirubin (chất làm vàng da ở trẻ) trong máu cao hơn mức cho phép và tăng bất thường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vàng da bệnh lý có thể do: Bệnh tan máu, xuất huyết dưới da, bệnh về gan mật bẩm sinh, chậm đi phân su…
Biến chứng nguy hiểm của bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da bệnh lý có thể gây ra cho trẻ sơ sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt sau khi lớn lên, cụ thể:
Vàng da bệnh lý có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
+ Vàng da nhân: Bilirubin là chất khiến da của trẻ sơ sinh bị vàng, khi chất này vượt quá giới hạn cho phép và gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ khiến chúng xâm nhập vào não. Điều này làm cho não không thể phục hồi lại như ban đầu dù có được điều trị hay không. Do đó, thời điểm thích hợp nhất để không xảy ra biến chứng này chính là trước 7 ngày sau sinh.
+ Bilirubin não cấp tính: Bilirubin là một loại chất rất độc hại đối với sự phát triển tế bào trong não bộ, khi đi vào trong não chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi bé có những dấu hiệu như khóc nhiều, bỏ bú, ngủ li bì, sốt cao, các mẹ cần cho con đi khám ngay để chữa trị kịp thời.
Điều trị và phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh như thế nào?
- Phương pháp điều trị
+ Với những trẻ sơ sinh bị vàng da ở mức độ nhẹ, chiếu đèn là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị. Năng lượng của ánh sáng sau khi xuyên qua da của trẻ sẽ giúp chuyển hóa Bilirubin trong máu thành chất khác không độc rồi đào thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu và phân.
+ Khi bệnh đã chuyển biến nặng, trẻ sơ sinh sẽ phải thay máu để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả.
Chiếu đèn là phương pháp giúp chuyển hóa Bilirubin trong máu hiệu quả
- Cách phòng ngừa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
+ Khi mang thai, các mẹ cần phải đi khám đầy đủ và theo lịch hẹn của bác sĩ để có thể phát hiện sớm những bệnh lý trong quá trình mang thai. Điều này sẽ giúp tránh được một số tình trạng như: trẻ sinh không đủ tháng, không đủ cân, thừa cân…
+ Ngay sau khi sinh nên cho trẻ bú sữa non và giữ ấm để trẻ không bị hạ thân nhiệt, đi phân su sớm.
+ Khi về nhà, nên chăm sóc trẻ ở những nơi có đủ ánh sáng để quan sát được màu da của trẻ, kịp thời phát hiện những điều bất thường.
Các bậc phụ huynh cần phải nắm rõ những thông tin về bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, từ đó mới có thể phân biệt được vàng da sinh lý và bệnh lý khác nhau như thế nào để điều trị kịp thời.
>> Có thể bạn quan tâm: