Viêm amidan là căn bệnh phổ biến thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khi bé bị viêm amidan.
Khái niệm viêm amidan
Viêm amidan là tình trạng amidan - nằm hai bên thành sau của họng bị nhiễm trùng và có dấu hiệu bị sưng, kích ứng. Như chúng ta đã biết, amidan có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng có nguy cơ xâm nhập qua miệng, hỗ trợ hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Amidan bị sưng to và có lớp phủ màu vàng hoặc trắng
Khi bị nhiễm trùng, amidan sẽ có dấu hiệu sưng to, đỏ bất thường và có lớp phủ màu trắng hoặc vàng.
Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan ở trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm amidan. Trong đó, chúng ta có thể điểm qua một số nguyên nhân cơ bản như:
+ Do thời tiết lạnh: Trong những đợt giao mùa, thời tiết chuyển lạnh sẽ khiến hệ hô hấp của trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn. Thời điểm này là lúc amidan sẽ phải làm nhiệm vụ bảo vệ đường hô hấp. Vì vậy, ở trẻ nhỏ khi sức đề kháng còn yếu sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn khiến amidan sưng to và đau.
+ Vệ sinh kém: Viêm amidan là tình trạng amidan bị nhiễm khuẩn. Ở trẻ nhỏ, do ý thức giữ gìn vệ sinh còn kém, tay không sạch sẽ và hay cho tay vào miệng dẫn đến nhiễm khuẩn ở miệng. Amidan sẽ thực hiện chức năng tiêu diệt vi khuẩn trong miệng. Vì vậy đây cũng là nguyên nhân khiến amidan cũng bị nhiễm khuẩn theo.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bé bị viêm amidan
+ Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Trẻ bị viêm đường hô hấp khiến các virus, vi khuẩn có sẵn trong mũi họng phát triển và tấn công vào amidan gây viêm.
+ Do cấu trúc amidan: Cấu tạo amidan của từng người khác nhau, ở những người có cấu trúc và vị trí amidan có nhiều khe hốc khiến thức ăn, dịch dễ dàng đọng lại. Đây là cơ hội lý tưởng cho các vi khuẩn khu trú và lâu ngày sẽ khiến amidan bị viêm.
Triệu chứng điển hình khi trẻ bị viêm amidan
Trẻ bị viêm amidan sẽ có các dấu hiệu điển hình như:
+ Sốt: Trong giai đoạn viêm amidan cấp tính trẻ sẽ bị sốt toàn thân từ 39 - 40 độ C. Sốt khiến cơ thể trẻ khó chịu, mệt mỏi.
+ Sưng amidan: Tình trạng nhiễm khuẩn khiến amidan bị sưng tấy trong vòm họng dẫn đến đau nhức khiến thở khó, khò khè, hơi thở gấp gáp…
+ Đau rát họng: Viêm amidan sẽ khiến họng đau rát, đau tăng khi có phản xạ nuốt nước bọt hay khi nuốt thức ăn. Vì vậy những trẻ bị viêm amidan khi ăn thường rất dễ bị nôn trớ.
Trẻ bị viêm amidan thường bị sốt
+ Có dịch ở mũi, họng: Viêm amidan sẽ gây xuất tiết dịch. Tùy vào từng giai đoạn viêm cấp tính hay mãn tính mà dịch có thể đặc hay loãng, trắng hoặc vàng.
+ Ho khan, ho đờm: Viêm amidan khiến bé ho nhiều. Ho càng tăng khi bệnh chuyển nặng thành viêm amidan hốc mủ.
Phương pháp điều trị viêm amidan ở trẻ
Việc áp dụng phương pháp điều trị phụ thuộc và nguyên nhân gây viêm amidan là do vi khuẩn hay virus gây ra. Thông thường việc xác định sẽ không thể bằng mắt thường nhưng bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm phết tế bào từ cổ họng hoặc xét nghiệm nhanh để phát hiện vi khuẩn.
Trường hợp viêm amidan là do virus gây ra cơ thể có thể sẽ tự chống lại sự nhiễm trùng. Nếu vi khuẩn streptococcus gây ra thì trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Cần lưu ý cho trẻ sử dụng đúng liều lượng của bác sĩ, ngay cả khi bé thuyên giảm các triệu chứng thì vẫn cần sử dụng thuốc hết liệu trình.
Trong trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ amidan. Hoặc nếu sử dụng kháng sinh không có tác dụng cũng có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật.
Bé bị viêm amidan rất dễ trở thành mạn tính và tái phát nhiều lần. Do đó cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về bệnh để có phương pháp phòng và điều trị cho trẻ một cách hiệu quả nhất.