Thai 33 tuần tuổi là thời điểm bé đang bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ, lúc này bé đang rất cần các dưỡng chất từ người mẹ để phát triển và hoàn thiện cơ thể cho tới khi chào đời. Để biết rõ thai nhi 33 tuần có những thay đổi và phát triển như thế nào, các mẹ hãy tham khảo thông tin ngay sau đây, qua đó biết cách ăn uống chăm sóc bé chu đáo.
Một số thay đổi của thai 33 tuần tuổi
Ở tuần thai thứ 33 này các bé đã có kích thước giống như một trái sầu riêng, bé nặng khoảng 2,15kg và dài gần 46cm tính từ đầu tới chân. Đồng thời lớp mỡ của bé cũng đang dầy lên giúp thai nhi đầy đặn và tròn trĩnh hơn. Nhờ lớp mỡ này mà da bé mịn màng hơn, giúp bé tự điều chỉnh thân nhiệt của mình sau khi được sinh ra.
Thai nhi 33 tuần tuổi chủ yếu là ngủ, ít vận động hơn.
Cũng trong giai đoạn này, hệ thần kinh trung ương lẫn phổi của bé đang trưởng thành. Phổi của bé đã có thể tự hô hấp nên nếu có sinh non trong giai đoạn này bé hoàn toàn có thể thở tốt mẹ nhé. Thậm chí bé chỉ cần nằm trong lồng sơ sinh ít lâu là sẽ bình thường.
Thai 33 tuần tuổi cũng đã có một hệ xương chắc khỏe hoàn toàn gấp nhiều lần so với các tháng trước đó. Tuy nhiên thời điểm này thì xương hộp sọ của bé vẫn còn khá mềm, nhưng điều đó là tất yếu bởi xương hộp sọ mềm sẽ giúp bé dễ dàng chào đời, vượt qua được khung chậu của mẹ và sẽ dần cứng cáp theo suốt giai đoạn thơ ấu.
Bên cạnh đó các hoạt động thai máy nhào lộn của bé trong bụng mẹ từ tuần thai này cũng sẽ bớt đi. Bởi vì kích thước thai đã lớn, tử cung đang chật dần nên bé khó có thể thoải mái duỗi tay hoặc chân hoạt động như trước nữa.
Giai đoạn thai 33 tuần tuổi bé chủ yếu là ngủ nhiều, nói cách khác ngủ cũng là hoạt động chính lúc này. Mẹ đừng nghĩ bé ngủ là không tốt nhé bởi khi bé ngủ sẽ giúp cho hệ thần kinh tư duy phát triển và giúp duy trì các hoạt động của hệ cơ quan tuần hoàn hiệu quả hơn khi bé chào đời. Bộ não của thai nhi cũng đang hoạt động hết công suất để có thể phản xạ với những tác động từ bên ngoài.
Những thay đổi của mẹ khi mang thai 33 tuần
Thai nhi khi được 33 tuần tuổi kích thước bé khá lớn nên sẽ khiến bụng mẹ căng to ra và cân nặng của mẹ cũng tăng lên rõ rệt. Vì thế các mẹ sẽ dễ bị mất cân bằng trong việc di chuyển, dễ bị chóng mặt nếu như đang ngồi hay nằm lâu mà bật dậy bất ngờ.
Cùng với đó mẹ sẽ thấy khó chịu do cảm giác đau ê ẩm khắp người. Các đầu ngón tay, cổ tay và cả bàn tay bị tê buốt, đó chính là hiện tượng giãn tĩnh mạch khi mang thai, nguyên nhân là thai nhi đè lên hệ dây thần kinh làm tăng áp lực lên bộ phận liên quan.
Thai 33 tuần có kích thước lớn gây áp lực khiến mẹ đau mỏi.
Khi thai 33 tuần tuổi là lúc tuyến sữa của mẹ đang tiết ra nhiều sữa non, ngực mẹ căng tức hơn và nặng nề hơn, vì thế hãy chọn áo ngực rộng rãi để cảm thấy dễ chịu hơn.
Đồng thời nhiều mẹ còn bị nổi mụn ngứa ở vùng bụng và mông, đó là triệu chứng sần ngứa mề đay (nốt sần thai kỳ) thường bắt gặp ở những mẹ bầu mang thai những tháng cuối. Mặc dù tình trạng này không gây nguy hiểm nhưng sẽ khiến mẹ ngứa ngáy, gãi liên tục, dễ gây xước da chảy máu và để lại sẹo về sau.
Một số mẹ còn thấy vùng kín tiết ra một ít dịch lỏng, khó có thể biết được đó là nước tiểu hay hiện tượng rỉ ối. Nhưng nếu dịch mà ra nhiều hoặc có lẫn máu thì mẹ cần phải đến bác sĩ để kiểm tra, tránh trường hợp sinh non ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
Mẹ bầu mang thai 33 tuần cần lưu ý những gì?
- Bụng bầu ở tuần 33 lúc này đã khá lớn nên mẹ cần chú ý hoạt động nhẹ nhàng, đi cẩn thận để đảm bảo an toàn cho con yêu. Tuyệt đối không nên đi lại nhiều, làm việc nặng nhọc, không mang vác vật nặng, tránh leo cầu thang.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để bé yêu phát triển như cơm, cá, thịt, tôm, cua, sữa, các loại ngũ cốc, rau xanh, trái cây tươi..
- Mẹ bầu mang thai 33 tuần tuổi phải giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan, tránh stress và căng thẳng quá mức.
Bổ sung Omega 3 và DHA giúp bé phát triển trí não giai đoạn 33 tuần.
- Khi nằm ngủ mẹ hãy nằm nghiêng sang bên trái để tránh áp lực thai nhi, đặc biệt nên dùng thêm gối bà bầu khi ngủ để dễ ngủ, ngủ ngon giấc hơn.
- Thai nhi 33 tuần là thời điểm bé sẽ phát triển não bộ mạnh mẽ nên mẹ nhớ bổ sung Omega 3 và DHA giúp não bộ bé phát triển tốt, ví dụ như các loại cá ngừ, cá hồi và dầu cá
- Mẹ cần chú ý đến các biểu hiện cơ thể, nếu có dấu hiệu sinh non cần đến ngay bệnh viện, tránh xảy ra các sự cố không đáng có.