Trẻ bị nổi mẩn đỏ ở cổ và mông có mủ gây nhiều đau đớn, khó chịu. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể đã mắc phải bệnh lý hăm cần được cha mẹ chăm sóc và điều trị kịp thời.
Trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, làn da của trẻ sơ sinh có rất nhiều thay đổi để thích nghi với cuộc sống ngoài bụng mẹ. Với những trẻ có sức đề kháng, cơ địa tốt, được cha mẹ chăm sóc chu đáo khả năng mắc các bệnh ngoài da thường ít hơn những trẻ có sức đề kháng kém. Tuy nhiên hiện tượng nổi mẩn đỏ ở những vùng da nhạy cảm trên cơ thể bé trong những tháng đầu đời là điều khó tránh khỏi.
Khi trẻ bị nổi mẩn đỏ ở cổ và mông có mủ sẽ không tránh khỏi cảm giác đau đớn, khó chịu. Trẻ có thể bỏ bú, hay quấy khóc ảnh hưởng tới sự phát triển, đồng thời gây cho cha mẹ rất nhiều lo lắng. Theo các chuyên gia da liễu, dựa vào dấu hiệu này có thể chẩn đoán trẻ đã mắc phải bệnh hăm – bệnh ngoài da rất phổ biến ở trẻ nhỏ
Rất nhiều trẻ sơ sinh bị hăm cổ vì vệ sinh da không đúng cách
Hăm thường xuất hiện ở những vùng da có ngấn, vùng da quấn tã/bỉm, bởi đây là nơi khu trú nhiều vi khuẩn, mồ hôi, bụi bẩn và cả nước tiểu của trẻ nữa. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ vi khuẩn trú ngụ gây viêm, nổi mẩn đỏ, trường hợp nặng có thể xuất hiện mủ gây đau đớn.
Cần làm gì khi cổ trẻ bị mẩn đỏ?
Với những trẻ bị hăm ở vùng ngấn cổ, điều cần làm là vệ sinh sạch sẽ vùng da này, không để mồ hôi, bụi bẩn có cơ hội tích tụ gây viêm.
Để vùng da cổ của trẻ luôn được thông thoáng, mẹ tránh đeo khăn, cho trẻ mặc quần áo với chất liệu thô ráp, bó sát gây tổn thương vùng da cổ.
Khi cổ trẻ bị mẩn đỏ mẹ tuyệt đối không sử dụng phấn rôm thoa lên vùng da này. Phấn rôm có thể gây bít tắc lỗ chân lông, nếu trẻ hít phải sẽ gây viêm phổi vô cùng nguy hiểm.
Trẻ bị hăm tã vùng mông, xử lý ra sao?
Trẻ bị hăm da vùng mông không nên dùng phấn rôm
Cha mẹ cần biết nguyên nhân chính dẫn tới hăm tã ở trẻ là do tã/bỉm kết hợp với việc chăm sóc và vệ sinh da bé chưa đúng cách. Do đó, để đẩy lùi hăm tã, hãy lựa chọn loại tã/bỉm chất lượng và phù hợp với cơ địa, vóc dáng của trẻ. Đồng thời, hãy thay tã/bỉm thường xuyên (4 tiếng/lần), vệ sinh sạch sẽ vùng đóng tã trước khi thay tã mới để chắc chắn vi khuẩn từ nước tiểu và tã/bỉm đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi da bé.
Hãy sử dụng các sản phẩm chống hăm cho bé trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn hãy kiểm tra kỹ thành phần, không sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất hay hoạt chất corticoid gây kích ứng, nhiễm trùng và khiến hăm tã nặng thêm.
Khi nào cần đưa trẻ tới bác sĩ?
+ Khi hăm cổ và mông kéo dài trên 5 ngày.
+ Khi trẻ bị sốt.
+ Khi trẻ bị nổi mẩn đỏ ở cổ và mông có mủ
+ Vùng da bị hăm tấy đỏ, có khuynh hướng lan rộng.
+ Khi trẻ bị tiêu chảy.